Lịch sử hoạt động Lockheed P-80 Shooting Star

Những chiếc P-80B tại căn cứ không quân Langley.

Chiếc Shooting Star bắt đầu được đưa vào hoạt động từ cuối năm 1944 với 12 chiếc tiền sản xuất YP-80A (một chiếc YP-80A thứ 13 được cải tiến trở thành chiếc máy bay F-14 trinh sát hình ảnh duy nhất và bị mất trong một tai nạn vào tháng 12), một chiếc bị phá hủy trong một tai nạn đã giết chết Burcham. Bốn chiếc được gửi sang Châu Âu để được thử nghiệm hoạt động thực tế (hai chiếc đến Anh Quốc và hai chiếc đến Phhi đoàn Tiêm kích 1 tại Lesina, Ý) nhưng khi Thiếu tá phi công thử nghiệm Frederic Borsodi bị giết trong một vụ rơi chiếc máy bay trình diễn YP-80A số hiệu 44-83026 tại căn cứ Không quân Hoàng gia Burtonwood do cháy động cơ vào ngày 28 tháng 1 năm 1945, những chiếc YP-80A phải tạm thời ngừng bay. Do những sự chậm trễ, chiếc Shooting Star đã không tham gia chiến đấu trong Thế Chiến II.

Đơn đặt hàng sản xuất ban đầu là 344 chiếc P-80A sau khi được Không lực Mỹ chấp nhận vào tháng 2 năm 1945. Có 83 chiếc đã được giao hàng cho đến cuối tháng 7 năm 1945 và 45 chiếc được bố trí đến Phi đoàn Tiêm kích 412 (sau này đổi tên thành Phi đoàn Tiêm kích 1) tại căn cứ không quân Edwards. Sau chiến tranh việc sản xuất vẫn tiếp tục, mặc dù kế hoạch 5.000 chiếc máy bay thời chiến nhanh chóng giảm còn 2.000 chiếc trị giá dưới 100.000 Đô la mỗi chiếc. Có tổng cộng 1.714 máy bay F-80A, F-80B, F-80CRF-80 một chỗ ngồi được chế tạo cho đến khi việc sản xuất chấm dứt vào năm 1950, trong đó có 927 chiếc F-80C (bao gồm 129 chiếc F-80A hoạt động được nâng cấp lên tiêu chuẩn F-80C-11-LO). Tuy nhiên, phiên bản hai chỗ ngồi TF-80C, bay lần đầu tiên ngày 22 tháng 3 năm 1948, trở thành căn bản cho chiếc máy bay huấn luyện T-33, mà 6.557 chiếc đã được sản xuất.

Chiếc nguyên mẫu P-80B, được cải tiến thành một máy bay đua và đặt tên là XP-80R, dưới sự điều khiển của Đại tá Albert Boyd đã lập một kỷ lục thế giới về tốc độ 1004,2 km/h (623,73 mph) vào ngày 19 tháng 6 năm 1947. Chiếc P-80C bắt đầu được sản xuất vào năm 1948; và vào ngày 11 tháng 6, trở thành một thành phần của Không quân Hoa Kỳ mới thành lập, chiếc P-80C chính thức đổi tên thành F-80C.

Bộ chỉ huy Không quân Chiến lược Không quân Hoa Kỳ đã đưa những chiếc F-80 Shooting Star vào sử dụng từ năm 1946 đến năm 1948 tại Không đoàn 1 và Không đoàn 56. Những chiếc P-80 đầu tiên phục vụ tại châu Âu gia nhập Không đoàn 55 (sau được đổi tên thành Không đoàn 31) tại Würzburg Giebelstadt, Đức, vào năm 1946, và ở tại đó mười tám tháng. Khi Liên Xô phong tỏa Berlin, một phi đội của Không đoàn 56 do Đại tá David C. Schilling chỉ huy đã bay vượt Đại Tây Dương từ Tây sang Đông vào tháng 7 và bay đến Đức trong 45 ngày trong Chiến dịch Fox Able. Được thay thế bởi Không đoàn 36 vừa mới trang bị F-80 tại Căn cứ Không quân Furstenfeldbruck, Không đoàn 56 thực hiện Chiến dịch Fox Able II vào tháng 5 năm 1949. Cùng năm đó F-80 được trang bị cho Không đoàn 51 đặt căn cứ tại Nhật Bản.

Các không đoàn 4 (Căn cứ Không quân Langley, Virginia); 81 (Căn cứ Không quân Kirtland, New Mexico), và 57 (Căn cứ Không quân Elmendorf, Alaska) được trang bị F-80 trong năm 1948, cũng như các phi đội tiêm kích đánh chặn thuộc Bộ chỉ huy Không quân Phòng không. Đơn vị Không lực Vệ binh Quốc gia đầu tiên bay chiếc P-80 là Phi đội Tiêm kích 196 của lực lượng Vệ binh Quốc gia California vào tháng 6 năm 1947.

Chiến tranh Triều Tiên

Shooting Star tham gia hoạt động chiến sự lần đầu tiên trong Chiến tranh Triều Tiên, chủ yếu là phiên bản F-80C mạnh mẽ hơn nhưng cũng có những chiếc máy bay RF-80 trinh sát hình ảnh. Trận không chiến đầu tiên giữa hai máy bay phản lực xảy ra vào ngày 8 tháng 11 năm 1950 trong đó một chiếc F-80 đã bắn rơi một chiếc MiG-15 (còn đang tranh luận liệu có phải là một chiến công phản lực chống phản lực hay không). Cho dù có được thắng lợi ban đầu, những chiếc F-80 cánh thẳng có tính năng bay yếu kém hơn những chiếc MiG và không lâu sau được thay thế bởi những chiếc F-86 Sabre cánh xuôi trong vai trò tiêm kích chiếm ưu thế trên không. Khi có đủ số lượng máy bay Sabre hoạt động, những chiếc Shooting Star được giao các phi vụ tấn công mặt đất, cũng như các nhiệm vụ huấn luyện bay nâng cao và phòng không tại Nhật Bản. Khi cuộc xung đột kết thúc, những chiếc F-80 còn bay tại Triều Tiên chỉ có phiên bản trinh sát hình ảnh.

Các đơn vị sử dụng F-80 và RF-80A trong chiến đấu tại Triều Tiên bao gồm:

  • Phi đoàn Tiêm kích Ném bom 8 (các phi đội tiêm kích-ném bom 35, 36, và 80), đặt căn cứ tại Suwon, là đơn vị sử dụng F-80 trong thời gian lâu nhất tại Triều Tiên. Họ bắt đầu các phi vụ từ Nhật Bản vào tháng 6 năm 1950 và tiếp tục bay chiếc Shooting Star đến tận tháng 5 năm 1953, khi họ chuyển sang loại máy bay F-86 Sabre.
  • Phi đoàn Tiêm kích Ném bom 49 (các phi đội tiêm kích-ném bom 7, 8 và 9) được bố trí từ Nhật Bản sang Taegu, Triều Tiên, vào tháng 9 năm 1950 và tiếp tục thực hiện các phi vụ tiêm kích-ném bom bằng máy bay F-80C cho đến mùa Xuân năm 1952, khi họ chuyển sang loại máy bay F-84 Thunderjet.
  • Phi đoàn Tiêm kích Đánh chặn 51 (các phi đội tiêm kích đánh chặn 16 và 25) hoạt động những chiếc F-80C từ Kimpo và Nhật Bản từ tháng 9 năm 1950 đến tháng 11 năm 1951 khi họ chuyển sang loại máy bay F-86.
  • Phi đoàn Tiêm kích Đánh chặn 35 và hai phi đội tiêm kích đánh chặn 39 và 40 đến Pohang, Triều Tiên, vào tháng 7 năm 1950, nhưng chuyển sang loại máy bay P-51 Mustang trước cuối năm đó.
  • Phi đội Trinh sát Hình ảnh 8, sau này được đổi tên thành Phi đội Trinh sát Hình ảnh 15, phục vụ từ ngày 27 tháng 6 năm 1950 tại Itazuke, Nhật Bản; và tại Tague (K-2) và Kempo (K-14), Triều Tiên, cho đến khi chấm dứt xung đột. Phi đội này cũng sử dụng một số máy bay cải biến RF-80C và RF-86.

Trong số 277 máy bay F-80 bị thiệt hại trong hoạt động (chiếm khoảng 30% số máy bay có được), có 113 chiếc bị tiêu diệt bởi hỏa lực mặt đất và 14 chiếc bị máy bay địch bắn rơi.[1] Thiếu tá Charles J. Loring, Jr. được trao tặng Huân chương Danh dự vì những hoạt động của ông khi bay với Phi đội 80 thuộc Phi đoàn Tiêm kích Ném bom 8 vào ngày 22 tháng 11 năm 1952.

P-80 huấn luyện Hải quân: TO-1/TV-1

Một chiếc P-80 đời đầu duy nhất được cải tiến dành cho Hải quân (với những bổ sung được yêu cầu, như một móc đuôi) và đã hạ cánh thử trên một tàu sân bay vào năm 1945 trong một thử nghiệm của Hải quân Hoa Kỳ. Để huấn luyện máy bay phản lực trên đất liền vào cuối những năm 1940, 50 chiếc F-80C (và vài chiếc phiên bản A và B) được Không quân chuyển cho Hải quân vào năm 1949 như những máy bay huấn luyện phản lực. Trong hoạt động của Hải quân Hoa Kỳ, chúng được đặt tên là TO-1 rồi sau đó chuyển thành TV-1. Kết quả là khi Hải quân sử dụng những chiếc T-33 trong huấn luyện, chúng được tiếp tục đặt tên là TO-2, rồi thành TV-2, cho dù tên gọi này lại đổi trở lại thành T-33B vào năm 1962. Không có chiếc nào trong số máy bay Hải quân này có khả năng hoạt động trên tàu sân bay, và chúng chỉ được sử dụng trên đất liền. Một phiên bản hoạt động được trên tàu sân bay của họ máy bay này được phát triển trong những năm 1950, và được đưa vào sử dụng từ năm 1957 dưới tên gọi T2V-1 SeaStar, và được đặt lại tên là T-1 SeaStar vào năm 1962.